Những lưu ý nên biết trước khi tiêm filler
Công nghệ tiêm filler đang trở thành trào lưu làm đẹp mới tuy nhiên nó có thể không mang lại kết quả như mong đợi. Điều cần làm là tìm hiểu những thông tin thực tế để xác định được mục tiêu và chuẩn bị tốt trước khi tìm kiếm những cơ sở uy tín.
Không phải bác sĩ nào cũng có thể tiêm filler cho vùng dưới mắt
Filler có thể được dùng để tiêm vào vùng da dưới mắt, làm đầy những vùng da bị trũng sâu vốn là nguyên nhân khiến gương mặt bạn không được trẻ trung. Trước đây, phương pháp thẩm mỹ thường được sử dụng là tiêm mỡ tự thân, nhưng giờ thì xu hướng chuyển sang filler (chất làm đầy).
Tuy nhiên, vùng da dưới mắt là khu vực nhạy cảm, đòi hỏi tay nghề cao. Kể cả những bác sĩ đã có kinh nghiệm tiêm filler nhiều năm, nhưng không chuyên về vùng da dưới mắt thì bạn cũng chưa nên yên tâm. Nếu bạn thấy người thân, bạn bè của mình đã tiêm filler vùng mắt thành công thì có thể tham khảo bác sĩ đã thực hiện ca đó.
Tiêm filler không đau
Một ca tiêm filler được thực hiện đúng quy trình thì bạn sẽ được gây tê và không cảm thấy gì cả, nên không sợ đau. Bệnh nhân được thoa kem gây tê ngoài da khoảng 20 phút trước khi tiêm. Đối với ca tiêm filler làm dày môi, thì bệnh nhân còn được ngậm thêm miếng đệm để không ảnh hưởng đến răng lợi.
Nếu bạn chọn tiêm HA (hyaluronic acid) làm chất filler, thì có tác dụng rất nhanh, nên quá trình tiêm filler khá thoải mái, dễ chịu. Vì thế, nếu bạn thấy đau, rất có thể quá trình tiêm filler đã sai sót. Đây chính là tầm quan trọng của việc tìm kiếm những cơ sở tiêm filler uy tín, vừa đảm bảo an toàn, vừa giúp bạn không phải chịu đau đớn, bất tiện.
Tiêm filler không “gây nghiện”
Sau khi tiêm filler, không có bất cứ lý do gì khiến bạn bắt buộc phải tiêm filler lần thứ hai. Từ “gây nghiện” ở đây chỉ mang nghĩa tương đối, có thể là khi tác dụng của filler mất đi, bạn lại muốn mình tiếp tục xinh đẹp và lại tiêm thêm để kéo dài tác dụng mà thôi.
Chất filler phổ biến hiện nay là HA thường có tác dụng từ 6 tháng đến 2 năm, sau đó có thể tan dần tự nhiên vào cơ thể, không để lại hậu quả hay di chứng gì, có thể kích thích collagen tăng trưởng thêm một chút xíu (không đáng kể). Việc ai đó trở thành “nô lệ” của thủ thuật tiêm filler chỉ là vấn đề tâm lý mà thôi.
Tiêm filler không “lộ”
Gần đây, rất nhiều ngôi sao, ca sĩ, người đẹp khiến công chúng phải chú ý vì gương mặt biến dạng, sưng phù sau khi tiêm filler. Thực chất, đây chỉ là hậu quả của những ca tiêm filler không thành công, bác sĩ đã tiêm quá lượng cần thiết, thậm chí tiêm sai vị trí. Một số người thực chất đã tiến hành phẫu thuật cấy sụn hoặc silicone nhưng lại nói dối là tiêm filler, cũng khiến người khác hiểu lầm là tiêm filler dễ khiến mặt mất vẻ tự nhiên.
Để đạt được hiệu quả tự nhiên nhất khi tiêm filler, trước khi tiến hành tiêm, bạn không chỉ cần tìm hiểu về độ uy tín, tay nghề của bác sĩ, mà còn nên thảo luận thẳng thắn, yêu cầu được tiêm vừa đủ, sao cho cân đối giữa các đường nét trên gương mặt.
Tiêm filler tạm thời và tiêm filler vĩnh cửu
Bạn đừng nghĩ rằng tiêm filler vĩnh cửu sẽ khiến gương mặt bạn đẹp mãi mãi. Cơ thể bạn vẫn sẽ lão hóa tự nhiên, khiến cấu trúc xương thay đổi và mô dưới da cũng thiếu độ căng, đàn hồi. Thậm chí, chất filler vĩnh cửu sẽ khiến gương mặt bạn mất đi vẻ tự nhiên so với tuổi thật, giống như tượng sáp vậy.
Đến nay, các chuyên gia vẫn đánh giá cao chất filler tạm thời như HA, thay vì các loại chất filler vĩnh cửu. Tính chất tạm thời cũng là cái hay của việc tiêm filler, vì bạn có thể giữ được tính linh hoạt, thay đổi đường nét trên gương mặt tùy thuộc vào sở thích, tính cách hay trào lưu của từng thời kỳ.
Filler không giải quyết được mọi nếp nhăn
Không nên nhầm lẫn chất filler với các chất như Botox hay Xeomin. Filler, đúng như cái tên của nó, có chức năng làm đầy những vùng da bị hõm, hoặc tăng thêm độ đầy đặn cho những vùng da bị xẹp. Filler chỉ có thể làm mờ những nếp nhăn siêu nhỏ, và cũng chỉ có những bác sĩ tay nghề cực cao mới có thể xử lý yêu cầu này. Nếu muốn làm mờ những nếp nhăn lớn, lộ rõ trên gương mặt, bạn phải dùng Botox, vì đây là chất giúp làm yếu những vùng cơ gây ra nếp nhăn trên mặt, đồng thời cũng làm giảm khả năng biểu cảm của gương mặt (gây ra hiện tượng “mặt đơ”).